Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều ánh nắng mặt trời nhất trong bản đồ bức xạ thế giới. Trung bình tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam dao động từ 4,3 – 5,7 triệu kwh/m2 . Đặc biệt là tỉnh Ninh Thuận, số giờ nắng cao đạt từ 2.000 – 2.600.000 giờ/năm. Nhờ lợi thế này Ninh Thuận (thuộc Nam Trung Bộ) đã đẩy mạnh tiềm năng sẵn có để đưa tỉnh nhà trở thành một trong những tỉnh tiên phong trong phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường.
Số liệu về bức xạ mặt trời của Việt Nam (Nguồn: Evn.vn)
Năng lượng tái tạo – tiềm năng của Ninh Thuận.
Ninh Thuận là vùng đất khô hạn nhất cả nước, diện tích đất hoang hóa, bạc màu cao, sản xuất trồng trọt kém hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy chuyển đổi sang mục đích phát triển năng lượng mặt trời, tăng giá trị sử dụng đất, phát triển kinh tế và môi trường, đột phá ngành năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời là lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà Chính phủ đang triển khai.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Ninh Thuận là khu vực có nguồn bức xạ dồi dào, khoảng 1.800kwh/m2/năm, đặc biệt sự chênh lệch về bức xạ mặt trời giữa các mùa trong năm rất thấp, đây là điều kiện tốt để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời. Trung bình các tháng có thời gian chiếu sáng hơn 12 giờ mỗi ngày; dài nhất vào 2 tháng 6 và 7 với hơn 13 giờ/ngày; ngắn nhất vào 2 tháng 12 và 1 cũng hơn 11 giờ 30 phút/ngày. Do đó, Ninh Thuận có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng lớn bức xạ mặt trời. Tổng số giờ nắng trung bình ở Ninh Thuận là 2837,8 giờ/năm cao nhất trong cả nước (so với Cam Ranh 2663,6 giờ/năm; Phan Thiết 2782,8 giờ/năm).
Tổng diện tích khu vực có tiềm năng điện mặt trời kỹ thuật là: 79.640 ha, chiếm 23,7% tổng diện tích toàn tỉnh – là khu vực có địa hình bằng phẳng hoặc có độ dốc nhỏ hơn 50, thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư thiết bị, tiếp cận thi công và khả năng đấu nối điện quốc gia. Cũng theo quy hoạch, vùng phát triển điện mặt trời có quy mô công nghiệp của tỉnh ước đạt khoảng 5.960 KW, tương ứng với diện tích chiếm đất là 11.920 ha, bằng 3,6% tổng diện tích toàn tỉnh. (Nguồn: Báo Điện tử Ninh Thuận)
Ninh Thuận là khu vực có nguồn bức xạ dồi dào, khoảng 1.800kwh/m2/năm
Với những điều kiện tự nhiên và xã hội như trên Ninh Thuận phấn đấu đến 2020 trở thành trung tâm tái tạo năng lượng lớn trong cả nước. Tận dụng tiềm năng vốn có về năng lượng tái tạo là mối quan tâm lớn của tỉnh, phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà theo phương châm: bền vững, xanh và sạch…Mục tiêu đẩy mạnh năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận cũng là chiến lược của Chính Phủ. Ngày 25 tháng 11 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg.
Định hướng chiến lược của Hacom Holdings về năng lượng tái tạo.
Dự án “Điện mặt trời Hacom Solar” đặt tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận - do Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings đăng ký đầu tư với quy mô công suất 50 MWp. Nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp là quang năng (từ mặt trời), thông qua các tấm pin mặt trời (PhotoVoltaic modul hay còn gọi là PV modul), biến đổi quang năng thành điện năng, hòa vào hệ thống điện quốc gia. Theo tính toán sơ bộ, khi vận hành ở quy mô đầy đủ 50 MWp, hàng năm nhà máy điện mặt trời Hacom Solar có thể đóng góp sản lượng vào hệ thống điện khoảng 80 triệu KWh điện.
Nhà máy điện mặt trời Hacom Solar khi đi vào vận hành sẽ không chỉ đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương, tạo thêm công ăn việc làm, giúp phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới, mà còn giúp giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch cho phát điện (than đá, dầu, khí), giảm phát thải khí nhà kính (COX, NOX) góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, việc có thêm nguồn năng lượng tái tạo còn giúp đa dạng hóa các nguồn điện trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vị trí dự án điện mặt trời Hacom Solar ở Ninh Thuận
Hacom Holdings là một trong những nhà đầu tư đáp ứng được các yêu cầu về năng lực chuyên môn và tiềm lực tài chính để tiếp cận dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận và đang trình UBND tỉnh chấp thuận dự án Nhà máy điện mặt trời Hacom Solar tại xã Phước Minh – huyện Thuận Nam – tỉnh Ninh Thuận, cụ thể như sau:
- Công suất thiết kế dự án: 100MWp.
- Diện tích chiếm đất: 122,07 ha.
- Dự án được chia làm 02 giai đoạn:
+ Giai đoạn I: đầu tư 50MWp sẽ đi vào vận hành năm 2019.
+ Giai đoạn II: đầu tư hoàn thiện 50MWp còn lại và đi vào vận hành năm 2020.
- Quy mô kiến trúc xây dựng: Nhà điều hành, trạm biến áp, đường dây truyền tải đấu nối hệ thống điện Quốc gia, giá đỡ các tấm pin, đường nội bộ.
- Vốn đầu tư:
+ Giai đoạn I: 1.250.000.000.000 đồng.
+ Giai đoạn II: 1.000.000.000.000 đồng.
- Nguồn vốn đầu tư: Dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn tự có của Công ty, vốn vay thương mại và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Ngoài ra, Hacom Holdings sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm dự án về năng lượng gió tại Ninh Thuận và Khánh Hòa.
(Hacom Holdings)