Ninh Thuận, vùng “Nắng như rang, gió như phan" (Phan Rang), gắn liền với cát, nắng nóng và sỏi đá, vẫn giữ nguyên nét đẹp nguyên sơ với: kiến trúc tháp Chăm tiêu biểu, biển xanh cát trắng, nhiều trái cây đặc trưng của miền đất cát.Đến Ninh Thuận, vùng đất của nắng và gió, sản phẩm nông nghiệp vô cùng đa dạng phong phú, từ sản vật của núi rừng, của biển, của đồng bằng…Tất cả đều đượm màu nắng gió - vùng đất cuối cùng của dãy Trường Sơn.
Khám phá Ninh Thuận – với nhiều loại hình du lịch lý tưởng.
Ninh Thuận là vùng đất cuối cùng của dãy Trường Sơn, với nhiều núi hướng ra biển, địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Ninh Thuận được bao bọc bởi 3 mặt núi, với 3 dạng địa hình: núi, bán sơn địa và đồng bằng ven biển, với khí hậu nhiệt đới Xavan (đối nghịch với khí hậu nhiệt đới gió mùa) có nhiệt độ trung bình tất cả các tháng trong năm trên 18°C và thường có một mùa khô rõ rệt. Chính đặc điểm khí hậu này nho Ninh Thuận ngon, ngọt hơn các vùng trồng nho khác và trở thành đặc sản riêng có của Ninh Thuận.
Ninh Thuận được mệnh danh là vùng đất của “Nắng và gió”, sau hơn một trăm năm thành lập (1901 – ban đầu gọi là Phan Rang) từ vùng đất khô cằn trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội và du lịch trong cả nước. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu tới độc giả một số điểm nhấn tiêu biểu của Ninh Thuận về: Du lịch, kiến trúc, ẩm thực…
Nho Ninh Thuận.
Nói đến Ninh Thuận là nói tới nho, do khí hậu khô và nắng làm cho trái nho trở nên ngọt và chắc hơn vùng trồng nho khác trong cả nước. Không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, nho còn được xem là sản vật đặc trưng riêng có của Ninh Thuận. Nho được trồng phổ biến ở Ninh Chữ, đến đây du khách sẽ vô cùng ấn tượng trước những vườn nho bạt ngàn, trĩu quả với các màu từ xanh lơ, tím thẫm, đen đến đỏ…Từ trái nho tươi, người trồng nho đã chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng phong phú như: Rượu nho, nho sấy khô, mứt nho, nước nho… những sản phẩm từ nho rất thơm ngon và bổ dưỡng, du khách đến Ninh Thuận đều không bỏ qua những món quà đặc biệt này.
Nho Ninh Thuận là thương hiệu nông sản lớn đem lại nguồn thu chủ yếu cho người nông dân
Nho đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân Ninh Thuận, để tăng giá trị của nho, đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng, những người trồng nho luôn chú trọng khâu canh tác an toàn, tạo ra những sản phẩm sạch tới tay người tiêu dùng.
Gốm Bàu Trúc.
Nằm cách thành phố Phan Rang gần 10km về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), được xem là làng nghề cổ xưa nhất Đông Nam Á, với những sản phẩm gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa của đồng bào Chăm.
Gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận mang đậm nét văn hóa Chăm, đến nay làng nghề vẫn duy trì và phát triển mạnh.
Gốm Bàu Trúc dùng loại đất sét được lấy từ sông Quao làm nguyên liệu chính vì đất ở đây có độ dẻo cao, sau đó làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, ủ một đêm, rồi nhồi với cát trắng theo một tỷ lệ nhất định để đem nặn. Bắt đầu một mẻ gốm người ta thường chọn người châm lửa, xem hướng gió, ngày giờ tốt trước khi nung. Họ chỉ đốt lò vào buổi chiều ít gió hoặc gió nhẹ và đốt theo chiều ngược gió. Gốm chín ra lò có màu vàng đỏ, đỏ hồng, nâu, đen xám đặc trưng, mang đậm phong cách giản dị, mang đậm nét văn hóa Chăm.
Đặc biệt, khác với nhiều làng nghề gốm trong cả nước, gốm Bàu Trúc không dùng bàn xoay mà người thợ phải đi vòng quanh, dùng đôi tay, con mắt và kinh nghiệm để tạo dáng cho sản phẩm. Xong công đoạn tạo dáng thì đem phơi khoảng 4 - 6h, sau đó để trong bóng mát chừng 5 - 10 ngày rồi đem nung lộ thiên bằng rơm và củi ở nhiệt độ 400 – 600 độ C trong thời gian từ 4 – 6 tiếng. Gốm Bàu Trúc không có khuôn mẫu, vì thế các nghệ nhân thả sức sáng tạo để nặn thành những sản phẩm phong phú. Những câu chuyện giản dị trong đời sống, những nét văn hóa đặc trưng của người Chăm đều được đưa vào gốm Bàu Trúc. Người xưa có câu: “Nắn bằng tay, xoay bằng mông”… cho thấy nét đặc trưng riêng có của làng nghề này.
Theo truyền thuyết, nghề làm gốm Bàu Trúc do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh chỉ dạy cho phụ nữ trong làng từ ngàn xưa
Hiện nay, gốm Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục 12 Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia và trình UNESCO xét duyệt, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Kiến trúc đền Tháp Chăm Pa.
Sau thăng trầm của lịch sử và biến thiên của thời tiết, nhiều công trình kiến trúc đền tháp đã bị xuống cấp. Nhưng tại Ninh Thuận ngay nay vẫn còn giữ được một cụm công trình đền tháp vớinguyên sơ các đường nét. Kiến trúc đền Tháp là biểu tượng đặc trưng của dân tộc Chăm. Đó là tháp Po Klong Garai. Đây là tên gọi chung cho một cụm tháp Chăm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại tại Việt Nam.
Tháp Po Klong Garai được xây dựng từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV. Tháp gồm 3 tháp. Tháp Chính cao 20,5m, tháp Lửa cao 9,31m, tháp Công 8,36m.Công trình này có kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Tháp đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1979
Trong hệ thống di sản văn hóa của người Chăm hiện nay, nổi bật nhất là hệ thống kiến trúc đền tháp và điêu khắc, tượng thờ…điển hình là Tháp Poklong Garai nằm trên đồi Trầu – phường Đô Vinh – thành phố Phan Rang. Quần thể gồm tháp chính, tháp cổng, tháp phụ và tường gạch, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13, thờ vua Po Klaong Garai (1151 – 1205).
Tháp Po Klong Grai được xem là biểu tượng của Ninh Thuận, nơi diễn ra các nghi lễ chính trong lễ hội Kate của người Chăm, thường được tổ chức vào đầu tháng 10 hàng năm. Các đền tháp ở Ninh Thuận được xây dựng thành từng cụm đứng ở phía Đông, nơi mặt trời mọc xua tan đêm tối. Đây cùng là loại kiến trúc tôn giáo với đường nét bố cục và điêu khắc đặc sắc của văn hóa Chăm.
Tháp Chăm là một loại kiến trúc tôn giáo được xây dựng thành từng cụm thường đứng ở phía Đông, nơi mặt trời mọc để xua tan đêm tối
Ngày nay, tháp Chăm Ninh Thuận cũng được xem là biểu tượng du lịch của tỉnh, hàng năm thu hút một lượng khách lớn trong và ngoài nước đến tham quan.
Ẩm thực Ninh Thuận.
Nắng gió đã ngấm vào từng thớ đất của Ninh Thuận để tạo nên những loại đặc sản bình dị nhưng cũng rất hấp dẫn. Đến với Ninh Thuận bạn sẽ không chỉ được ngắm những bãi biển nên thơ mà bạn còn được thưởng thức những món ăn vừa sang trọng vừa dân dã như: Dông cát, thịt cừu, bánh căn…Chính vẻ đẹp và sự phong phú của ẩm thực nơi đây đang làm nên thương hiệu cho du lịch Ninh Thuận:
Bánh căn: Là món ăn giản dị của người Chăm, họ có bí quyết riêng được truyền tụng từ đời này qua đời khác. Cách ăn và cách chế biến cũng khác hẳn với bánh căn Đà Lạt.
Bánh căn là món ăn đặc trưng của người Chăm - Ninh Thuận
Thịt cừu: Thịt cừu là loại thực phẩm đặc sản khá độc đáo của người dân Ninh Thuận, có chất lượng cao, được chế biến thành những món ăn ngon miệng hợp khẩu vị như: thịt cừu nướng, luộc, tái, xào lá cà ri, xông khói, cà ri cừu.
Thịt cừu là sản phẩm đặc trưng của khí hậu Ninh Thuận.
Cừu được nuôi ở những cánh đồng cừu trên đường xuống vịnh Vĩnh Hy, bạn sẽ có cơ hội ngắm những đàn cừu hàng nghìn con thong thả ăn cỏ,dưới cái nắng vàng của vùng ven biển này.
Ninh Thuận có những cánh đồng cừu vô cùng ấn tượng
Dông cát:Dông sống ở vùng cát nóng Ninh Thuận, được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau như: dông nướng, gỏi dông, dông xào sả ớt,… Dông có thể ăn với bún, bánh tráng cuốn, bánh tráng nướng và rau sống rất ngon và hấp dẫn. Dông đã trở thành món ăn ngon, siêu đặc sản của Ninh Thuận.
Dông cát được xem là “siêu đặc sản” của đất Phan Rang – Ninh Thuận
Biển Ninh Chữ.
Ninh Chữ là một bãi biển đẹp của Ninh Thuận, kết hợp với địa danh Bình Sơn tạo thành cụm du lịch biển Ninh Chữ - Bình Sơn nổi tiếng, nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang khoảng 5 km và được coi là một trong 9 bãi biển đẹp nhất ở Việt Nam.
Biển Ninh Chữ có bãi cát trắng mịn kéo dài hình cung bán nguyệt, sóng lặng, yên bình, nước biển có màu xanh thẫm và bầu trời xung quanh có màu xanh ngát.... Biển Ninh Chữ kết hợp với địa danh Bình Sơn tạo thành cụm khu du lịch biển Ninh Chữ - Bình Sơn, làm nên thương hiệu cho du lịch tỉnh Ninh Thuận. Khí hậu ở vùng Ninh Chữ mát mẻ, nắng ấm quanh năm, đặc biệt với những hàng dương sát biển nên nếu là một người yêu thích sự tĩnh lặng, du khách có thể thả mình bên dưới tán cây dương, đong đưa chiếc võng để đón gió mát từ biển. Hoặc du khách có thể tham gia các hoạt động du lịch như: tắm biển, lướt ván, câu cá, du thuyền hay thưởng thức các món ăn được chế biến tươi ngon…
Biển Ninh Chữ có bãi cát trắng mịn kéo dài hình cung bán nguyệt
Biển Ninh Chữ là một trong 9 bãi biển đẹp nhất Việt Nam
Đến Ninh Thuận, bạn sẽ cảm nhận nhiều điều thú vị hơn thế, không ồn ào, không diễm lệ, nhưng Ninh Thuận sẽ mang lại cho bạn một cảm giác gần gũi với thiên nhiên, bình yên sau những bộn bề của cuộc sống.
hacomholdings.vn