Làng là đơn vị thấp nhất trong cấp chính quyền của những cộng đồng người định cư làm nông nghiệp. Làng Việt Nam lại được lập nên từ tập hợp các gia đình, nhiều có tới vài nghìn hộ, ít cũng phải trên mấy chục hộ gia đình và mỗi gia đình lại sống độc lập trong khuôn viên riêng. Mỗi giai đoạn xã hội nhất định, người Việt Nam đều tìm cho mình một lối sống, ứng xử cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội và cụ thể là nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Biểu hiện rõ nét nhất trong lối sống và ứng xử chính là ngôi nhà, cho dù có những giá trị chung về ngôi nhà thuần Việt thì điều đặc biệt ở chỗ là: người chủ mỗi gia đình lại xây dựng cho mình một phong cách riêng, đồng nhất cơ bản với làng xóm.
Nhà ở truyền thống Đồng bằng Bắc Bộ
Ngôi nhà Việt và những giá trị cốt lõi:
Cho dù người thành thị hay nông thôn thì mỗi người trong chúng ta đều có những kỷ niệm và dấu ấn sâu đậm về ngôi nhà của mình, hình ảnh về ngôi nhà thường gợi nhớ sự thân thương, càng đi xa càng nhớ. Kiểu kiến trúc ngôi nhà của người Việt hình thành cho người ở trong đó những giá trị rất Việt, đó là sự gắn kết giữa các thành viên, tôn trọng thiên nhiên và môi trường. Ngôi nhà Việt truyền thống nằm trong không gian chung của làng xã, vì vậy, mặc dù có kết cấu tường rào, bức vách, tạo ra sự riêng biệt ấm cúng, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được mối quan hệ tổng thể đối với cộng đồng.
Tôn ti trật tự, quần tụ, quần cư:
Hình ảnh đậm nét trong khuôn viên nhà Việt truyền thống là sự sắp đặt theo quan niệm: “Vợ hiền hòa, nhà hướng nam”. Ngôi nhà cũng là biểu hiện của trật tự gia đình và tôn ti xã hội, có chỗ để người già nghỉ ngơi, có phân vai theo vị trí mỗi thành viên trong gia đình, thường là theo giới tính và độ tuổi, thể hiện qua các gian nhà. Quan niệm của Nho giáo ăn sâu vào tư tưởng người Việt, thể hiện rõ nét qua việc sắp đặt chỗ ngủ của nam và nữ trong một ngôi nhà. Đàn ông ngủ ở gian chính, chỗ ngủ và các sinh hoạt của phụ nữ ở cac gian bên cạnh, hoặc ở nhà ngang, nhà phụ (khi qua đời mới được đưa ra gian chính làm lễ nhập quan).
Kiến trúc ngôi nhà truyền thống cũng biểu hiện giá trị cốt lõi trong quan hệ và lối sống gia đình: “Tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường” nên mọi không gian được phân khu tương đối rõ nét nhưng hài hòa và có thể du di các công năng khác: như sân để phơi lúa, lúc nhà có việc đại sự.. chỗ các con cháu vui chơi.
Vật liệu làm nhà thân thuộc của địa phương:
Hầu hết vật liệu làm nên ngôi nhà chủ yếu của địa phương, thậm chí của chính gia chủ trồng từ nhiều năm trước. Hệ thống rường cột chính của ngôi nhà đều được xây dựng từ chính cây tự trồng trong vườn của họ theo một cách làm rất nhân văn là: sinh con – trồng cây; con lớn – cây lớn làm nhà cho con. Với sự lựa chọn loại cây trồng hợp lý có vòng đời sinh trưởng ngắn, loài cây chỉ khoảng 7-10 năm là có thể khai thác làm rường cột nhà. Các vật liệu bao che lợp thì chọn những loại cây vòng đời sinh trưởng còn ngắn hơn (2-3 năm) để khai thác. Vì vậy, thực tế sự ảnh hưởng đến phá hoại môi trường của xây dựng ngôi nhà là rất thấp. Ngôi nhà khi bị dỡ bỏ, chuyển đổi thì các vật liệu cấu kiện đều tái sử dụng được và để lại đất sạch.
Với vật liệu thân thiện, mang dáng dấp địa phương làm cho các thành viên trong gia đình khi đi xa thường nhớ về ngôi nhà rồi cũng nhớ cả hình ảnh làng quê trong đó. Tất cả những giá trị đó tạo nên sự khác biệt so với các quốc gia khác.
Vật liệu của ngôi nhà truyền thống chủ yếu là vật liệu địa phương.
Hàng rào mang tính ước lệ về ranh giới hoặc ngăn không cho trâu bò, gà… ra ngoài và để trồng các loại cây có dây leo, vừa để lấy rau ăn, vừa làm đẹp ngôi nhà.
Hòa hợp thiên nhiên và cân bằng sinh thái:
Hòa hợp thiên nhiên và cân bằng sinh thái là một trong những nét tiêu biểu của ngôi nhà Việt, như đã trình bày ở trên, vật liệu làm nên ngôi nhà nguồn gốc chủ yếu là từ những cây xung quanh nhà: Cây tre, cây vầu, cây mít, cây nhãn, cây xoan, rơm rạ, cây cọ …bản thân những vật liệu đó rất thân thiện và gần gũi, hợp với khí hậu thời tiết địa phương.
Khuôn viên nhà ở có đủ: Nhà chính, nhà phụ (nhà ngang), ao trước, vườn sau, bể nước, nơi chăn nuôi gia súc gia cầm, nhà vệ sinh, cây rơm, sân phơi, hàng rào, cổng…Khuôn viên khép kín nhưng khai thác triệt để yếu tố sinh thái để ổn định nếp ăn ở sinh hoạt của gia đình. Cân bằng sinh thái trong điều kiện nhiệt đới ẩm gió mùa và tự cung tự cấp.
Hòa hợp thiên nhiên là nét đặc trưng của nhà truyền thống
Ao đóng vai trò cân bằng sinh thái, ngoài ra ao còn để thả vịt, thả cá, hoặc bèo nuôi lợn, nước tưới rau.
Tính tự cung tự cấp:
Như đã trình bày ở trên, mỗi loại cây trong vườn nhà đều được sử dụng vào mục đích của riêng nó theo hình thức tối ưu nhất: Cây vầu để làm giát giường, cây xoan làm cột nhà, cây cọ lấy lá lợp nhà, cây mít để đóng giường tủ, bàn ghế, có cây cau giàn trầu xanh, ao thả cá và nuôi vịt…Các loại cây ăn quả lâu năm và ngắn ngày đều có giá trị riêng của nó, thậm chí một số loại cây thuốc nam cũng được trồng trong vườn nhà…
Bố cục tạo hình kiến trúc hài hòa:
Bố cục của ngôi nhà Việt truyền thống có nhiều kiểu, nhưng có hai kiểu được thiết kế nhiều nhất là: Bố cục nhà hình thước thợ, tức là nhà chính và nhà phụ (ở đây nhà phụ thường là bếp), kiểu bố cục này bắt gặp rất nhiều ở đồng bằng Bắc Bộ. Bố cục thứ hai của ngôi nhà người Việt thường thấy là: Bố cục hình chữ Môn, tức là nhà chính nằm ở chính giữa hai bên có hai căn nhà phụ (một là nhà kho để chứa lương thực, một là nhà bếp), kiểu này thường phải là một gia đình khá giả. Ngoài ra còn có nhiều kiểu nhà khác (dùng theo chiết tự Hán) nhưng không được phổ biến như: nhà kiểu chữ đinh, chữ nhất, chữ nhị, chữ công …
Bố cục các gian nhà thường là 3 gian, 2 chái, hình chữ đinh, nhà chính (nhà trên) và nhà phụ (nhà dưới) có sân nước (sân thiên tỉnh)…, có 1 cửa chính và 1 cửa đi phụ và rất ít cửa sổ. Phân chia gian bởi kèo cột nên các thành viên tương tác, kết nối các thành viên trong gia đình rất ấm cúng.
Đối với người Việt, ngôi nhà chính là bộ phận cốt yếu trong khuôn viên của một gia đình, nhà có bố cục gian lẻ 1, 3, 5 hay 7 gian cùng với 2 chái, không mấy nhà có số gian chẵn. Số lượng gian và chất liệu để làm nhà tuỳ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, hay điều kiện môi trường thiên nhiên xung quanh nơi gia đình sinh sống. Ngôi nhà người Việt được kết cấu đăng đối, vì là số lẻ nên gian chính giữa bao giờ cũng dành làm nơi thờ cúng và tiếp khách. Sự sắp xếp trong một ngôi nhà người Việt cũng cho thấy sự thiên lệch vị trí giữa nam và nữ, chỗ ngủ của đàn ông trong gia đình ở các gian chính, còn chỗ sinh hoạt và nghỉ ngơi của phụ nữ là ở các chái bên cạnh, hoặc ở nhà ngang, nhà phụ.
Bố cục tạo hình kiến trúc nhà truyền thống Đồng bằng Bắc Bộ
Ngôi nhà Việt truyền thống – biểu trưng cho kiến trúc Phương Đông, ngôi nhà được hình thành dựa trên đặc điểm về kinh tế, khí hậu, văn hóa, vị trí địa lý…Cho dù ở vùng miền nào trên dải hình chữ S thì mỗi ngôi nhà đều mang dấu ấn tình cảm, tính cách dung dị của người Việt Nam. Thể hiện rõ sự tinh tế trong lối ứng xử giữa người với người, người với thiên nhiên. Sản phẩm ngôi nhà Việt là tinh hoa văn hóa dân tộc, chắt lọc những gì tinh túy nhất của con người Việt Nam, tính sâu sắc, tinh đời và khéo léo.
(Hacom Holdings)