Bộ trưởng Bộ Công Thương làm việc với Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch
Để giải quyết vấn đề truyền tải đang là khúc mắc của nhiều dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) hiện nay, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và EVN đang hướng tới việc triển khai thêm các trạm công suất lớn đấu nối vào hệ thống đường dây hiện hành.
Ninh Thuận - “công trường” năng lượng tái tạo của cả nước
Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Công Thương ngày 11/12/2018, ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận hiện nay đang trở thành một “công trường lớn” với hàng loạt dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, thu hút đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ. Lãnh đạo tỉnh cũng coi đây là lĩnh vực đột phá hàng đầu để tỉnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng bền vững.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và tỉnh Ninh Thuận ngày 11/12/2018
Về dự án điện mặt trời, trên cơ sở các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch 29 dự án với tổng quy mô công suất 1.938,8MW, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án với tổng công suất 1.788,79MW, trong đó Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc chia làm 2 giai đoạn và cấp 2 quyết định đầu tư.
Các dự án đã cấp định đầu tư có 19 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện PPA với tổng công 1.002,9MW; 18 dự án đã khởi công và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2018 đầu năm 2019 có 3 dự án với công suất 75,8MW là nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ giai đoạn 1 là 15MW; nhà máy điện mặt trời Bim công suất 24MW và nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 công suất 36,8MW.
Đến tháng 6/2019, dự kiến Ninh Thuận sẽ đưa vào vận hành 13 dự án, công suất 922MW và tiếp tục khởi công đối với các dự án đã cấp quyết định đầu tư còn lại.
Đại diện tỉnh Ninh Thuận cho biết, bên cạnh đó hiện có 7 dự án Bộ Công Thương đã tổ chức thẩm định và đang chờ phê duyệt với tổng công suất 416MW; 13 dự án Bộ Công Thương chưa tổ chức thẩm định tổng quy mô công suất 604MW.
"Lãnh đạo tỉnh coi năng lượng tái tạo là lĩnh vực đột phá hàng đầu để tỉnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế", ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND Ninh Thuận cho biết.
Về dự án điện gió, UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư 14 dự án với tổng công suất 798,75MW, trong đó có 3 dự án đi vào hoạt động là điện gió Đầm Nại, điện gió Trung Nam và điện gió Mũi Dinh.
Dự kiến, năm 2019 có 8 trụ gió còn lại của Công ty Trung Nam sẽ đi vào hoạt động trước tháng 6/2019, công suất 18,8MW.
Các dự án dự kiến tiếp tục được khởi công năm 2019 tổng công suất 252,9MW/89 trụ, bao gồm Nhà máy Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1, khởi công trong quý I/2019; Nhà máy Điện gió Lợi Hải 2 dự kiến khởi công trong quý I/2019; Nhà máy điện gió Win Energy Chiến Thắng dự kiến khởi công quý I/2019; Nhà máy điện gió Phước Minh, dự kiến khởi công trong quý I/2019; Nhà máy điện gió Hanbaram của Công ty Cổ phần Điện gió Hanbaram khởi công trong quý III/2019.
Giải quyết bài toán vướng mắc lớn ở khâu truyền tải
Theo ông Phạm Văn Hậu, qua rà soát và tính toán, khả năng mang tải lưới điện truyền tải hiện hữu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có quy mô công suất khoảng 1.270MW. Tuy nhiên, chỉ tính lưới điện nội tại của tỉnh Ninh Thuận, lưới điện các tỉnh liên kết với nhau nên tùy từng chế độ có thể công suất giải phóng được sẽ ít hơn do nguồn phát lưới 110kV tại các tỉnh lân cận Khánh Hòa, Bình Thuận. Do vậy, khả năng tỏa công suất ước tính trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận khoảng 777,35MW.
UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án điện mặt trời và 14 dự án điện gió với tổng công suất 2.737,5MW. Tuy nhiên, hệ thống truyền tải trên địa bàn tỉnh mới chỉ giải phóng được 777,35MW, chưa đáp ứng được nhu cầu giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đây là một trong những vướng mắc lớn nhất đối với các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong thời điểm hiện nay mà nhiều doanh nghiệp cũng như lãnh đạo tỉnh đang tìm kiếm hướng giải quyết cụ thể.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Văn Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đã làm việc với lãnh đạo tỉnh và đồng tình rằng với lưới 110kV và 220kV hiện tại thì không thể đủ khả năng truyền tải công suất theo nhu cầu của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, vậy nên bắt buộc sẽ phải nâng cấp các đường dây 224kV và 500kV.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN Đinh Văn Tri đề xuất 3 giải pháp cho bài toán truyền tải công suất của Ninh Thuận
Trước hết, EVN cho rằng tỉnh nên khẩn trương triển khai trạm 220kV Ninh Phước. Đường dây 5km đấu vào đường hiện hành Tháp Chàm - Vĩnh Tân đã có trong tổng sơ đồ hiệu chỉnh mới nhất và dự kiến thời gian vận hành vào năm 2025-2030. Tuy nhiên, để phục vụ cho nhu cầu truyền tải của Ninh Thuận, đại diện EVN kiến nghị được vận hành đường dây này trước 2020. “Nếu triển khai từ cuối năm nay thì chỉ quý III/2019, trạm Ninh Phước có thể vận hành ngay”, ông Đinh Văn Trí khẳng định.
Đồng thời, EVN cũng đưa ra đề xuất bổ sung thêm vào tổng sơ đồ trạm 500kV Thuận Nam đấu vào đường dây Vân Phong - Vĩnh Tân hiện đang phục vụ cho cụm nhiệt điện Vân Phong và sau này trên cơ sở đó làm thêm đường dây Thuận Nam - Chơn Thành phục vụ cho Trung tâm Điện lực Cà Ná có quy mô 6.000 MW đang được thúc đẩy triển khai.
Trung tâm Điện lực Cà Ná gồm 04 nhà máy sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu, có khả năng cung cấp cho lưới điện khoảng 36 tỷ kWh lượng điện năng mỗi năm, ứng với Tmax = 6.000h, không chỉ bổ sung điện năng đáp ứng cho nhu cầu phụ tải mà còn góp phần ổn định hệ thống điện, nâng cao an ninh năng lượng sơ cấp.
Bên cạnh đó, để giải tỏa công suất cho cụm 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Khánh Hòa, EVN cũng đề xuất nâng công suất trạm 500kV Di Linh. Trạm này hiện đang quá tải khi nằm giữa cụm 3 tỉnh tập trung nhiều dự án năng lượng lớn, do đó cần có biện pháp xử lý hiệu quả sớm.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ đánh giá cao đối với sự chủ động và tích cực của tỉnh Ninh Thuận trong quá trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng, trong đó có lượng lớn các dự án năng lượng tái tạo nhằm đóng góp vào sự phát triển không chỉ của tỉnh mà còn của toàn nền kinh tế nói chung.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Ninh Thuận trong quá trình phát triển các dự án năng lượng tái tạo
Nhằm xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch, đóng góp vào hệ thống điện cả nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng Tập đoàn EVN cũng như các Cục, Vụ liên quan cần có những hỗ trợ, rà soát khẩn trương để tỉnh hoàn thiện hồ sơ pháp lý trong thời gian sớm nhất, nhanh chóng triển khai các dự án trong thời gian tới cũng như xử lý hiệu quả các vấn đề còn tồn đọng.
(Theo tạp chí công thương)