HoREA: Kiến nghị khẩn trương gỡ những ách tắc lớn cho thị trường bất động sản

Thứ Hai, 01-04-2019 | 11:25AM GMT+7

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản số 27/ CV- HoREA gửi Thủ tướng Chính Phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng… về việc báo cáo cập nhật các kiến nghị khẩn trương giải quyết những ách tắc lớn nhất của doanh nghiệp và thị trường bất động sản hiện nay.

 


Thị trường bất động sản TP.HCM đang gặp vô vàn khó khăn.
 
Cụ thể, trong văn bản kiến nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết qua 3 tháng đầu năm 2019, Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản càng lo ngại hơn, trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, hoặc không được cán bộ cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời.

Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung-cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản; Làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị, tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản; Doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản; Môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do đã có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố).

Nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế "xin-cho", tiêu cực. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là công tác thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, kém hiệu lực, hiệu quả và cũng do một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản, vừa có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết; vừa vẫn nhũng nhiễu, "hành" doanh nghiệp.

Với những khó khăn này, HoREA kiến nghị UBND TP.HCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án đang bị "đóng băng" chờ rà soát, thanh tra, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công.

Kiến nghị thực hiện nhanh công tác rà soát, thanh tra hơn 100 dự án và có kết luận và hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án. Khẩn trương phân loại hơn 100 dự án đang bị rà soát, thanh tra thành 3 loại để có phương án xử lý phù hợp như.

Nhóm 1: Bao gồm các dự án về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì giải tỏa ngay để doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện.

Nhóm 2: Bao gồm các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở mức độ không lớn, thì yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với Nhà nước, không để thất thoát tài sản công.

Nhóm 3: Bao gồm các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì tách riêng để xử lý theo quy định pháp luật.

Kiến nghị cho phép các chủ đầu tư hơn 100 dự án đang bị rà soát, thanh tra được tiếp tục giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính như về chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.

Kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính tiếp tục và khẩn trương thực hiện công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản.

Kiến nghị UBND TP quy định thời hạn thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án, để tránh tình trạng đùn đẩy, dây dưa, kéo dài.  

Kiến nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành xây dựng "khung cơ chế" về công thức tính "giá đất cụ thể" theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn củaTP.HCM, để cán bộ, công chức thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án theo "khung cơ chế" này thì yên tâm và an toàn…

Kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương rà soát, đề xuất xử lý dứt điểm đối với các trường hợp dự án bị thu hồi, hủy bỏ Quyết định chủ trương đầu tư.

“Hiệp hội nhận thấy, "Quyết định chủ trương đầu tư" là khởi đầu tiến trình pháp lý của một dự án có quỹ đất hỗn hợp, làm cơ sở cho mọi thủ tục hành chính tiếp theo, như: Quyết định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Quyết định chấp thuận chủ đầu tư dự án; Quyết định giao đất; Giấy phép xây dựng; Quyết định tiền sử dụng đất... Việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định chủ trương đầu tư sẽ tác động đến tính pháp lý của các quyết định sau đó của dự án. Người mua nhà tại các dự án này rất lo lắng và đề nghị được đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình”, văn bản do ông Châu ký nêu rõ.

Kiến nghị Thanh tra Chính phủ và UBND TP sớm rà soát, kết luận, xử lý các dự án BT đang bị tạm ngừng triển khai thực hiện.

Trong đó, Hiệp hội rất tán thành quan điểm của Thường trực Chính phủ chỉ đạo: "Tập trung xử lý chuyển tiếp đối với các dự án đã ký hợp đồng BT trước ngày 01/01/2018, không hồi tố nhưng đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, không gây khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chỉ đạo của Chính phủ để hợp thức hóa sai phạm trong đầu tư dự án BT (nếu có)" (trích Thông báo số 455/TB-VPCP ngày 11/12/2018 của Văn phòng Chính phủ). Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP ngày 28/12/2018 "Về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao" để chỉ đạo thực hiện.

Từ thực tiễn tình hình nêu trên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định "Về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao" (thường dùng quỹ đất làm tài sản thanh toán cho nhà đầu tư), để hoàn chỉnh khung pháp lý triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP để thực hiện đồng bộ "Luật Quản lý, sử dụng tài sản công" và  giải quyết các ách tắc hiện nay, nhằm huy động các nguồn lực xã hội theo phương thức hợp tác công - tư (PPP) và phát huy hiệu quả kinh tế của nguồn lực đất đai.

Hiệp hội kiến nghị UBND TP chỉ đạo khẩn trương rà soát về nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp, nếu chưa đúng quy định có thể làm thất thoát tài sản công, thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thẩm định lại "giá đất cụ thể" phù hợp giá thị trường, theo các phương pháp xác định giá đất của Luật Đất đai, và doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước, để được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, cũng như để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.

Kiến nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bởi TP.HCM đã chọn "Năm 2019 là năm cải cách thủ tục hành chính" để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đi vào chiều sâu và tạo chuyển biến thực chất về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả.

Nhiều cán bộ, công chức nhà nước đã thể hiện tinh thần trách nhiệm khi giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có một số cán bộ, công chức có biểu hiện thiếu công bằng, thiếu minh bạch, chưa đối xử bình đẳng đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Có hồ sơ được giải quyết nhanh, có hồ sơ lại bị gây khó, bị chuyển lòng vòng, hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần. Hiệp hội đề nghị thành phố nhân rộng các điển hình tiên tiến để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, trong suốt.
 
 

( Theo Báo đầu tư BĐS )
Các tin khác

CÔNG TY CỔ PHẦN THÀNH ĐÔNG NINH THUẬN
Địa chỉ: Lô TM09 Đường Đặng Quang Cầm, KĐT Biển Bình Sơn - Ninh Chữ (Khu K2), phường Mỹ Bình, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận.
Điện thoại: 0259.3890999 Fax: 02593.890999
MST: 4500569345

Website: thanhdongninhthuan.com 

 

SÀN GIAO DỊCH BẤT ĐỘNG SẢN HACOMLAND
Địa chỉ: TM14.6 Đường Trần Nhân Tông, khu đô thị Đông Bắc (khu K1), phường Thanh Sơn, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận.
Điện thoại: 02593.859999 Hotline: 0939661889
Email: contact@hacomland.com

  • Kết nối với chúng tôi
  • facebook
  • Twitter
  • Google Plus
  • Pinterest