Ngày 8-8, tại Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm ở Ninh Thuận. Đến dự có ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành và các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thạc sĩ Phạm Minh Hương, Phó Viện trưởng Âm nhạc nhấn mạnh tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 82 ngàn người Chăm sinh sống tập trung ở 35 thôn, khu phố thuộc 13 xã, thị trấn. Đồng bào dân tộc Chăm sở hữu một nền âm nhạc cổ truyền đặc sắc, nhất là hệ thống âm nhạc nghi lễ gắn liền với các lễ hội, phong tục của cộng đồng làng xóm, tộc họ. Trong bối cảnh xã hội phát triển hội nhập sâu rộng trên phạm vi toàn cầu thì âm nhạc cổ truyền của các dân tộc đang dần bị mai một; trong đó có di sản âm nhạc dân tộc Chăm. Hội thảo khoa học tập trung làm rõ các vấn đề về nhìn nhận và đánh giá những giá trị di sản văn hóa Chăm; thực trạng tồn tại và vị trí của âm nhạc cổ truyền trong đời sống người Chăm; tình hình bảo tồn các di sản âm nhạc Chăm hiện nay tại Ninh Thuận; các giải pháp cụ thể cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm một cách đúng hướng, hiệu quả ở Ninh Thuận…
Lãnh đạo Viện Âm nhạc và các nhà nghiên cứu văn hóa chủ trì Hội thảo.
Các nghệ nhân dân tộc Chăm tái hiện các loại hình diễn xướng nghi lễ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định Viện Âm nhạc tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm ở Ninh Thuận góp phần vào việc thực thi bảo tồn, phát triển di sản âm nhạc Chăm. Với những luận điểm khoa học của các nhà nghiên cứu và những chia sẻ từ thực tiễn công tác của các nhà quản lý văn hóa địa phương, các nghệ nhân dân tộc Chăm được trình bày tại hội thảo đã nâng cao nhận thức, sự trân trọng và ý thức tham gia gìn giữ phát triển di sản âm nhạc cổ truyền trong cộng đồng người Chăm hiện nay. Đồng thời khai thác đưa di sản âm nhạc Chăm vào hoạt động du dịch, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào Chăm, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
(Theo Sơn Ngọc/ baoninhthuan.com.vn)