Bên cạnh những điểm nóng của thị trường bất động sản phía Bắc, ông Hoàng Hữu Minh Dũng, Trưởng phòng R&D của BHS Group đã “điểm danh” các thị trường được nhận định là điểm nóng của bất động sản khu vực miền Trung và miền Nam.
Những điểm nóng miền Trung
Tại Miền Trung, theo ông Hoàng Hữu Minh Dũng, những thị trường bất động sản sẽ có sự chuyển biến đáng chú ý trong năm 2021 là Thanh Hóa, Quảng Bình. Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh có tốc độ tăng trưởng đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ khi thu ngân sách liên tục tăng những năm qua. Đây cũng là tỉnh đang có nhiều dự án quy hoạch sử dụng đất. Đơn cử, năm 2020, Thanh Hóa đón nhận nhiều dự án lớn như tổ hợp nghỉ dưỡng, du lịch Bến En Như Thành 9.990 tỷ đồng, dự án Sungroup Sầm Sơn, FLC Sầm Sơn mở rộng, Flamingo Hải Tiến.
Các tuyến giao thông huyết mạch của Thanh Hóa cũng được khởi công như dự án đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 nối 2 tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa; dự án đường từ TTTP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; đường ven biển Hoằng Hóa – Sầm Sơn và Quảng Xương – Tĩnh Gia. Năm 2021 dự kiến sẽ là năm bất động sản Thanh Hóa phát triển sôi động.
Một điểm nóng khác của miền Trung là Quảng Bình. Ông Minh Dũng cho biết với cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm 50,27%, nền kinh tế của Quảng Bình trong năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và thiên tai lũ lụt. Tuy nhiên, dù đối mặt nhiều thách thức, Quảng Bình vẫn là một điểm sáng trong thu hút vốn FDI khi tăng từ 0,78 triệu USD lên đến 287 triệu USD. Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn ở Quảng Bình được đầu tư nâng cấp mở rộng như cảng hàng không quốc tế Đồng Hới và một loạt tuyến đường bộ, chuẩn bị khởi công tuyến đường ven biển Nhật Lệ 3. Năm 2021 cũng là năm hàng loạt “ông lớn” tiếp tục đầu tư phát triển bất động sản tại Quảng Bình như FLC, TNR, Vingroup.
Bất động sản miền Trung và miền Nam sẽ chứng kiến nhiều điểm nóng mới trong năm 2021
Miền Nam dậy sóng với nhiều điểm nóng mới
Tại phía Nam, ông Minh Dũng cho rằng Bình Thuận sẽ là tỉnh có thị trường bất động sản sôi nổi trong năm 2021 trên cơ sở tiền đề của năm 2020. Cụ thể, trong năm 2020, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được khởi động, đóng vai trò kích thích thị trường bất động sản Bình Thuận tăng trưởng như khởi công hoặc nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường như 719, 719B, 58, 59,…; cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết; khởi động lại dự án sân bay Phan Thiết
Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản lớn sẽ tạo diện mạo mới cho thị trường bất động sản Bình Thuận có thể kể đến như tiếp tục phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, dự án NovaWorld Phan Thiết triển khai…
Đồng Nai cũng là một cái tên nổi bật của thị trường bất động sản phía Nam. Tỉnh cũng đang huy động vốn đầu tư phát triển xã hội vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra cho cả năm. Đồng Nai đang có nhiều dự án quy hoạch sử dụng đất, dự kiến năm 2021 sẽ là năm bất động sản bùng nổ với dự án sân bay Long Thành và hàng loạt dự án giao thông lớn đã và đang chuẩn bị triển khai như cao tốc: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường vành đai, sân bay Long Thành. Như vậy trong tương lai, nhu cầu sở hữu nhà ở tại Đồng Nai sẽ ở mức cao do lượng khách làm việc tại sân bay, các khu công nghiệp, hàng loạt khu dân cư được triển khai, nhu cầu ”chuyển tiếp” từ khu Đông Sài Gòn…
Cũng tại phía Nam, Bình Dương là địa phương có nội lực mạnh trong phát triển kinh tế. Đây là tỉnh có di dân cơ học nhiều nhất cả nước, đồng nghĩa nhu cầu nhà ở rất lớn. Cùng với cơ sở hạ tầng được tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thời gian tới tạo điều kiện tốt cho thị trường bất động sản phát triển khoẻ mạnh và bền vững.
Trưởng phòng R&D của BHS Group nhận định Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) là một điểm nóng của thị trường từ năm 2020. Khu vực này được coi là động lực phát triển kinh tế, là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân, dự kiến đóng góp 30% GDP TP.HCM và 7% GDP cả nước. Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, khu Đông chỉ có khoảng hơn 55.000 căn hộ, chiếm khoảng 34% tổng nguồn cung trên thị trường. Dự báo đến năm 2025 nguồn cung của khu vực này sẽ vào khoảng 200.000 căn, chiếm khoảng 44% tổng nguồn cung thị trường.
Hạ tầng giao thông TP. Thủ Đức cũng đang được đẩy mạnh như mở rộng tuyến đường Tô Ngọc Vân, mở rộng nút giao thông Xa lộ Hà Nội - Đại học Quốc gia TP.HCM, Dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội và QL.1 (đoạn từ ngã 3 Trạm 2, TP.HCM - nút giao Tân Vạn, Đồng Nai), Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Trong số các điểm nóng của bất động sản phía Nam, Vũng Tàu - thủ phủ dầu khí của cả nước là cái tên đáng chú ý của thị trường bất động sản 2021. Dầu khí và kinh tế cảng biển là mũi nhọn của Vũng Tàu. Với định hướng áp dụng khoa học – công nghệ vào quản lý vận hành, Vũng Tàu ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như du khách.
Trong năm 2020, Vũng Tàu là 1 trong 8 tỉnh đầu tiên khai trương trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC, tàu lớn nhất thế giới cập cảng Cái Mép (CMIT). Ngoài ra, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được đưa vào triển khai như: Cầu Phước An; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường 991B…
Các dự án quy hoạch trong tương lai đang được kêu gọi đầu tư sẽ kích thích bất động sản Vũng Tàu có thể kể đến như: vườn thú Safari, khu du lịch Lâm Viên núi Dinh… hay các quy hoạch đô thị nhà ở như khu đô thị sinh thái Tây Nam (TP. Bà Rịa), khu đô thị Gò Găng, và 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Một thị trường nóng khác của bất động sản phía Nam là Long An. Những năm qua, Long An tiếp tục khẳng định là một trong 3 thủ phủ công nghiệp phía Nam. Riêng trong năm 2020, Cần Giuộc đón thêm 5 cụm khu công nghiệp quy mô 260 ha thu hút gần 140.000 công nhân và 3.000 chuyên gia. Hiện Long An quy tụ rất nhiều chủ đầu tư lớn đã và đang đầu tư như Vingroup, Becamex, HimLam, ThắngLợi Group, CátTường…
Nhiều dự án giao thông trọng điểm cũng sẽ làm biến đổi diện mạo thị trường Long An trong thời gian tới như tuyến đường song hành với QL50, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Cao tốc Bến Lức – Long Thành; nâng cấp và mở rộng các tuyến đường như 835B, 826C, 830...
( Theo Thúy An / Thanhnienviet )