Cần nhân rộng Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Thứ Sáu, 29-09-2017 | 9:07AM GMT+7

Ngày 27/9 tại Hà Nội, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) phối hợp với Quỹ châu Á và Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường xã hội (ISET) tổ chức Hội thảo cuối kỳ Dự án “Xây dựng Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” (Dự án VN-CRI).

 

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị phát biểu tại Hội thảo

 Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị phát biểu tại Hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo có bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị; TS. Samantha Stratton-Short – Phó Giám đốc Tổ chức phát triển quốc tế (ARUP); TS. Michael Digregorio – Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam (TAF) và đông đảo chuyên gia trong nước, quốc tế, đại diện các thành phố được lựa chọn thí điểm tham gia Dự án.


Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ các kết quả của Dự án VN-CRI, đánh giá những yếu tố thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng Bộ chỉ số VN-CRI cho Việt Nam, đồng thời đúc rút bài học kinh nghiệm và định hướng áp dụng Bộ chỉ số VN-CRI trên toàn quốc.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Lan Anh cho biết: Ngày 31/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2623/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020" (viết tắt là Đề án), giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh/thành phố triển khai thực hiện Đề án.


Cục Phát triển đô thị được Bộ Xây dựng được giao là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Đề án. Căn cứ các nhiệm vụ của Đề án, đồng thời để tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế tiến hành nghiên cứu khoa học về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và triển khai thí điểm tại địa phương, Cục Phát triển đô thị đã phối hợp với Quỹ châu Á và Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội triển khai Dự án VN-CRI.


Mục tiêu của Dự án là xây dựng và thử nghiệm chỉ số phục hồi đô thị (CRI), nhằm hỗ trợ các cơ quan chính quyền cấp địa phương và trung ương tại Việt Nam nâng cao hiểu biết trong việc đánh giá, giám sát và tăng cường khả năng phục hồi biến đổi khí hậu. Quỹ châu Á đưa ra lý thuyết về sự thay đổi, theo đó, bằng cách thiết lập VN-CRI trong bối cảnh phù hợp với nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, các cơ quan Trung ương và địa phương sẽ được trang bị kiến thức tốt hơn để hiểu biết, đánh giá và giám sát hiệu quả khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của các đô thị. Bên cạnh đó, Dự án sẽ khuyến khích các cơ quan địa phương lồng ghép nội dung phục hồi biến đổi khí hậu vào quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị một cách có hiệu quả.


Dự án VN-CRI được triển khai từ năm 2013, trong giai đoạn 1, Dự án xây dựng Bộ chỉ số VN-CRI và phương pháp thu thập số liệu tại các địa phương, tổ chức 3 đợt tập huấn cho 136 học viên là cán bộ đến từ UBND các thành phố/thị xã, Sở Xây dựng, các Sở, ngành liên quan và áp dụng thí điểm Bộ chỉ số tại 5 đô thị trên cả nước gồm: TP Lào Cai, TP Quảng Ninh, TP Hội An, TX Gia Nghĩa, TP Cà Mau.


Giai đoạn 2, Dự án đã triển khai các hoạt động: Nghiên cứu, tham vấn ý kiến các bên liên quan về kế hoạch nhân rộng bộ chỉ số; tổ chức 3 khóa tập huấn (Bắc, Trung, Nam) với gần 60 học viên đến từ Sở Xây dựng, UBND thành phố/thị xã của 28 đô thị nhân rộng thuộc danh mục Quyết định số 2623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Báo cáo đánh giá khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các đô thị và rà soát khuyến nghị lồng ghép vào Hệ thống chỉ tiêu về quản lý phát triển đô thị. Hiện nay, Dự án đang bước vào giai đoạn 3, giai đoạn nhân rộng và phát triển.


Phát biểu tại Hội thảo, TS. Michael Digregorio – Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam: Trước khi đưa Bộ chỉ số CRI áp dụng ở Việt Nam, chúng tôi đã dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, xác định những dữ liệu, biến số cần lựa chọn, phân tích dữ liệu nào phù hợp, dữ liệu nào không. Sau khi đã xây dựng xong Bộ chỉ số CRI dành riêng cho Việt Nam, chúng tôi tiếp tục tiếp thu góp ý từ các địa phương, các đơn vị liên quan và ý kiến học viên trong quá trình tập huấn để hoàn thiện Bộ chỉ số, đảm bảo sự phù hợp tối đa và mang tính khả thi cao nhất trong điều kiện thực tế Việt Nam.

 

Hội An là 1 trong 5 thành phố áp dụng thí điểm bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu.

 Hội An là 1 trong 5 thành phố áp dụng thí điểm bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu.

 

Với các hoạt động đã được thực hiện từ tháng 8/2015 đến nay, Dự án đã triển khai xây dựng Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và áp dụng cho 5 đô thị thí điểm và 28 đô thị nhân rộng. Được phản ánh qua 4 khía cạnh: Sức khỏe và phúc lợi, kinh tế và xã hội, hạ tầng và môi trường, lãnh đạo và chiến lược… và tiếp cận với một số kinh nghiệm quốc tế, Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu (VN-CRI) có được sự đánh giá tổng quan, làm rõ những điểm mạnh cũng như điểm yếu trên từng khía cạnh của hệ thống đô thị trong bối cảnh phát triển mới của đất nước cũng như dưới tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra với nhiều thách thức khó khăn.


Qua việc xây dựng Bộ chỉ số này không chỉ đưa ra cái nhìn tương đối đầy đủ về thực trạng chống chịu biến đổi khí hậu của một số đô thị ở Việt Nam mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách về vấn đề thách thức trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, các kỳ vọng trong việc cải thiện thể chế chính sách và sự nhất trí chung về sự cần thiết của Dự án xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

 


Theo Tuyết Hạnh (baoxaydung.com.vn)
 

Các tin khác

CÔNG TY CỔ PHẦN THÀNH ĐÔNG NINH THUẬN
Địa chỉ: Lô TM09 Đường Đặng Quang Cầm, KĐT Biển Bình Sơn - Ninh Chữ (Khu K2), phường Mỹ Bình, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận.
Điện thoại: 0259.3890999 Fax: 02593.890999
MST: 4500569345

Website: thanhdongninhthuan.com 

 

SÀN GIAO DỊCH BẤT ĐỘNG SẢN HACOMLAND
Địa chỉ: TM14.6 Đường Trần Nhân Tông, khu đô thị Đông Bắc (khu K1), phường Thanh Sơn, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận.
Điện thoại: 02593.859999 Hotline: 0939661889
Email: contact@hacomland.com

  • Kết nối với chúng tôi
  • facebook
  • Twitter
  • Google Plus
  • Pinterest