Tạo những trải nghiệm khác biệt, từ đó mang lại cảm xúc cho khách hàng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, yếu tố này lại chưa được nhiều chủ đầu tư Việt Nam chú trọng phát triển.
Chiềng Mai (Thái Lan) – thành công từ du lịch trải nghiệm
Năm 2017, Thái Lan đón 37 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 3,3 nghìn tỷ. Nhiều năm liên tiếp, xứ sở Chùa Vàng luôn nằm trong top 10 thế giới về mức độ tăng trưởng du lịch. Tại tọa đàm “Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Thực trạng và triển vọng” do Tạp chí The Leader tổ chức mới đây, ông Amorn Harnkham, nguyên Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan đã chỉ ra nhiều nguyên nhân làm nên một Thái Lan hùng mạnh trong ngành công nghiệp không khói, đó là sự phát triển toàn diện của hệ thống hạ tầng giao thông, các hoạt động quảng bá du lịch được chính phủ chú trọng và đẩy mạnh, lòng mến khách của người dân… Trong đó, tính chất của sản phẩm du lịch đóng vai trò chính yếu. “Khi đã có mục tiêu phát triển du lịch thì vấn đề đặt ra là cần có những sản phẩm như thế nào để hấp dẫn du khách khi đến và khiến họ lưu luyến khi đã trở về”, ông Amorn Harnkham nhấn mạnh.
Sức hút của Chiềng Mai không đơn thuần là sự hiện diện của các khu nghỉ dưỡng,
resort cao cấp mà còn là sự hình thành những khu vườn sinh thái, những tour
du lịch mạo hiểm trên núi, du lịch trong rừng...
Chiềng Mai – "bông hồng Bắc Thái Lan" là minh chứng tiêu biểu cho điều này. Sức hút của Chiềng Mai không đơn thuần là sự hiện diện của các khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp mà còn là sự hình thành những khu vườn sinh thái, những tour du lịch mạo hiểm trên núi, du lịch trong rừng... Khách hàng được cung cấp tất cả các dịch vụ để thỏa sức khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên... Đi cùng với đó, những nét đặc trưng của văn hóa Thái như võ cổ truyền, ẩm thực, văn hóa... cũng được đẩy mạnh quảng bá. Sức hấp dẫn của du lịch Thái Lan nằm ở những trải nghiệm mang đến cho khách hàng.
Ông Amorn cho biết chính phủ Thái Lan định hướng “bán tất cả những gì có thể bán để phát triển du lịch”. Tôn chỉ này có ý nghĩa ở việc khai thác tất cả các tiềm năng từ cảnh quan, thiên nhiên đến các giá trị phi vật thể để phát triển du lịch. Tuy nhiên, định hướng này không đồng nghĩa với việc đặt “tiền” thành cái đích cuối cùng. Ông Amorn Harnkham nhấn mạnh, việc phát triển phải đi cùng với việc đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên cảnh quan môi trường.
Hãy bán cảm xúc cho khách hàng
Từ câu chuyện của Thái Lan, ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc công ty H&K Hospitality đặt câu hỏi, Việt Nam có gì để phát triển du lịch? Ông Khánh cho rằng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam chưa hấp dẫn vì chưa tạo nên những trải nghiệm riêng biệt cho du khách như Thái Lan. Khách du lịch nước ngoài rất thích được trải nghiệm văn hoá, khám phá văn hoá của khu vực địa phương. Rất nhiều địa điểm của Việt Nam sở hữu lợi thế để phát triển theo hướng trên nhưng hầu hết lại chưa được chú trọng. Ông Khánh nhấn mạnh kinh doanh bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, điều quan trọng nhất là bán cho khách hàng cảm xúc. Cảm xúc từ nhiều thứ, từ kiến trúc công trình, các hoạt động trải nghiệm văn hóa vùng miền…
Ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc công ty H&K Hospitality cho rằng kinh doanh bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, điều quan trọng nhất là bán cho khách hàng cảm xúc
Ông Khánh đưa ra lời khuyên: “Trong đầu tư, chúng ta hãy là những nhà đầu tư thông minh, tìm và tạo ra những sản phẩm đặc biệt để thu hút khách tốt hơn. Chúng ta cần tạo nên những khu resort, khách sạn ven đô mang lại nhiều cảm xúc cho các du khách”.
Trên thực tế, khoảng 2 năm gần đây, một số mô hình kinh doanh nghỉ dưỡng ven đô đã bắt đầu có sự chuyển dịch và đi theo xu hướng này. Tại hội thảo, một số mô hình đã được đề cập. Urban Getaway là chuỗi homestay ven đô không có internet, tivi, thậm chí những ngôi nhà có địa thế tốt không có điều hòa và khách hàng tự phục vụ chính mình. Với không gian sống như thế, Urban Getaway mong muốn tạo nên những khu nghỉ dân dã, con người có thời gian giao lưu chia sẻ, rời xa phố xá ồn ào khói bụi và công nghệ. Ông Lê Kiên Trung, nhà sáng lập Urban Getaway mong muốn mang đến cho khách hàng một cái nhìn khác hơn về du lịch. Và đến nay, sau 2 năm phát triển, Urban Getaway đã có 80 cơ sở.
Ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty CP QNK – chủ đầu tư dự án sân golf Yên Dũng (Bắc Giang) cũng cho biết bên cạnh việc đầu tư sân golf và bất động sản nghỉ dưỡng trong lòng sân golf, đơn vị cũng đang chú trọng khai thác giá trị văn hoá vùng miền, các sản vật mang tính đặc thù của Bắc Giang như vải thiều. “Khách đến du lịch không chỉ nghỉ dưỡng mà còn được trải nghiệm văn hóa vùng miền. Chúng tôi không chỉ cho thuê phòng mà còn bán các giá trị văn hóa vùng miền đi kèm”, ông Kiên chia sẻ.
(Theo Tuổi trẻ Online)