Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm “giải cứu” phân khúc này khi đại dịch từng bước được kiểm soát tại Việt Nam.
Từ sự phục hồi của Trung Quốc…
Trung Quốc – một trong những tâm dịch Covid-19 của thế giới đã nhanh chóng cho thấy sự phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng khi dịch bệnh có dấu hiệu ổn định. Hai tháng sau khi dịch bệnh hoành hành, báo cáo của JLL cho thấy có 87% lượng khách sạn tại Trung Quốc đã mở cửa trở lại, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 30%. Đại diện JLL cũng cho biết thêm, mặc dù chính sách hạn chế di chuyển liên tỉnh và cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài vẫn còn được áp dụng nhưng các khu nghỉ mát nằm gần các thành phố lớn đang có dấu hiệu phục hồi.
Đồng quan điểm, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhận định, sau khi đại dịch được kìm hãm, thị trường Trung Quốc chỉ mất khoảng 6 tuần để công suất trở lại mức 30% và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ.
Người đứng đầu Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng Việt Nam có thể sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc. Sự phục hồi của thị trường Việt Nam sau đại dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ theo mô hình chữ V. Thực tế này vốn phổ biến trong ngành khách sạn, du lịch và đã từng diễn ra ở Việt Nam khi khách Trung Quốc và Nga đột ngột giảm vào giai đoạn tháng 6/2014 đến tháng 6/2015. Sau sự sụt giảm này, một thời gian sau, thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, do tác động của nền kinh tế toàn cầu và diễn biến khó lường trước của dịch Covid-19, việc khôi phục hoàn toàn có thể diễn ra vào năm 2021. An toàn là một yếu tố vô cùng quan trọng trong ngành du lịch và mọi người sẽ chỉ bắt đầu đi du lịch trở lại khi họ cảm thấy thật sự an toàn.
Ông Mauro Gasparotti cho biết nhu cầu du lịch trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm du khách trẻ. Tiếp sau đó, việc dần mở cửa trở lại đối với một số quốc gia sẽ thúc đẩy ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam phát triển.
Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm “giải cứu” BĐS nghỉ dưỡng khi đại dịch
từng bước được kiểm soát tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Giải pháp nào cho bất động sản nghỉ dưỡng?
Trên thực tế, khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở Việt Nam, bất động sản nghỉ dưỡng bước đầu đón nhận những giải pháp ứng phó nhằm phục hồi và thúc đẩy thị trường. Kì vọng vào dòng khách nội địa, mới đây nhất, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) phối hợp với các địa phương phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, triển khai từ 1/6 - 31/12/2020. Chương trình còn xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với nhiều ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút khách nội địa.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghỉ dưỡng giai đoạn này. Bà Trang Võ, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Đầu tư khách sạn Việt Nam tại JLL cho biết, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đang trong giai đoạn cầm cự vì gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Ngoài việc cắt giảm chi phí một cách triệt để, các chủ sở hữu khách sạn đang hướng đến giải pháp trung hạn thông qua việc tìm kiếm vốn đầu tư bằng cách phát hành trái phiếu hoặc tìm kiếm cơ hội vay từ các tổ chức tín dụng với điều kiện cho vay linh hoạt hoặc dài hạn hơn thông qua việc hợp tác đầu tư với đối tác bằng hình thức chuyển đổi cổ phần.
“Mặc dù lãi suất của trái phiếu hiện tại cao hơn so với lãi suất ngân hàng và ẩn chứa nhiểu rủi ro, nhưng với tình hình hiện tại, đây là giải pháp mà các chủ sở hữu đang áp dụng để tiếp cận nguồn vốn mới thay vì phương pháp vay truyền thống”, bà Trang nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng yếu tố sáng tạo được xem là giá trị cốt lõi và là chìa khóa để tạo ra nguồn doanh thu mới. Các khách sạn trong thành phố cần đưa ra những chính sách hấp dẫn để có thể thu hút nhóm khách công vụ và nghỉ dưỡng.
Hình thức “du lịch tại chỗ” là một trong những ví dụ điển hình. Theo đó các khách sạn nhắm đến phân khúc khách hàng ở khu vực lân cận bằng cách mang đến những gói trải nghiệm gồm chỗ lưu trú, ăn uống và đầy đủ tiện ích. Khách hàng vẫn trải nghiệm như một chuyến du lịch thông thường ngay tại nơi họ đang sinh sống hoặc khu vực lân cận mà không cần phải đi xa. Ngoài ra, các nhà hàng cũng sẽ áp dụng những chiến lược tương tự bằng cách đưa ra các chương trình tiếp thị và quảng bá sáng tạo để có thể thu hút khách địa phương nhiều hơn, ví dụ như các bữa ăn cuối tuần theo chủ đề. Các hình thức lưu trú như Airbnb cũng có thể đưa ra các gói trải nghiệm cho khách hàng như cung cấp đầu bếp riêng cho du khách.
( Theo Thúy An - Batdongsan )